Nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của Hà Nội để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp (nông nghiệp tuần hoàn); Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch 358-KH/UBND về việc triển khai thực hiện “Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030” trên địa bàn thành phố. Trong đó, Hà Nội sẽ triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Tăng cường nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ nông nghiệp tuần hoàn
Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố như ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển các công nghệ, quy trình khép kín theo chuỗi giá trị, giảm sử dụng tài nguyên đầu vào, giảm thất thoát sau thu hoạch, kéo dài vòng đời của sản phẩm, tái sử dụng và tái chế chất thải trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp…
Xây dựng các chuỗi cung ứng lạnh hợp nhất kết nối hệ thống thông tin giữa các hoạt động logistics trong chuỗi, tối ưu hóa thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả và sức mạnh của sản phẩm và thương hiệu trên thị trường; góp phần hỗ trợ nhà nước trong hoạt động quản lý an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo vệ sinh thái và tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn
Cùng đó, Hà Nội thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến trong nước và trên thế giới để phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn Thành phố thông qua triển khai các nội dung của Chương trình Khuyến nông của Thành phố và Trung ương. Đẩy mạnh chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học của các nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, cấp Thành phố trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn vào thực tiễn sản xuất.
Hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm cây trồng, rơm rạ và chất thải chăn nuôi; sản phẩm xử lý môi trường nước trong nuôi thuỷ sản theo Điều 14 Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố; hỗ trợ đệm lót sinh học phục vụ chăn nuôi.
Thành phố sẽ phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn thông qua việc phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương trong triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường cho sản phẩm ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Lồng ghép các hoạt động tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại của Thành phố.
Hà Nội cũng thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Nội dung hỗ trợ liên kết được áp dụng các cơ chế, chính sách hiện hành của Thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động phân phối sản phẩm ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn tham gia các sàn giao dịch điện tử thương mại...
Nghiên cứu xây dựng mô hình cung cấp, trao đổi chất thải nông nghiệp để hình thành thị trường trao đổi chất thải hoặc chuyển giao cho đơn vị sản xuất các loại phân hữu cơ. Trường hợp hiệu quả và phù hợp với thực tiễn sản xuất của Thành phố thì đề xuất thực hiện thí điểm xây dựng mô hình. Nghiên cứu thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ carbon; trong đó, khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là chủ rừng thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính sẽ được tham gia cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế theo quy định.
Hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp tuần hoàn
Theo đó, Hà Nội tiến hành hợp tác với các tổ chức khoa học quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới có nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tiên tiến, các tỉnh/thành trong nước đi đầu trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn để học tập, trao đổi kinh nghiệm, thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của các bên nhằm phát triển thuận lợi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Hợp tác với các viện, trường đại học, doanh nghiệp trong nước, quốc tế để nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ nông nghiệp tuần hoàn; chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất, quy trình, máy móc thiết bị về nông nghiệp tuần hoàn. Hỗ trợ tiếp nhận, chuyển giao công nghệ thế hệ mới thúc đẩy quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị, giảm phát thải; từng bước làm chủ công nghệ, ứng dụng sản xuất quy mô hàng hóa.
Truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực phát triển kinh tếtuần hoàn trong nông nghiệp
Cụ thể, Hà Nội sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, kết hợp phổ biến yêu cầu, chủ trương, quy định của pháp luật, chính sách khuyến khích mô hình nông nghiệp tuần hoàn và định hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, doanh nghiệp và người dân.
Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn cho người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý, tổ chức sản xuất trong ngành nông nghiệp, chủ doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Tập huấn cho cán bộ nông nghiệp, tổ khuyến nông cộng đồng và người dân về quy trình xử lý, tái chế chất thải, tái sử dụng các phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật chế biến, xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành các nguyên liệu cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, giảm phát thải ra môi trường...
Tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo; xây dựng phóng sự, tin bài, chuyên mục về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đăng tải trên các trang thông tin điện tử để người dân, các hộ sản xuất, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thông tin, tiến bộ kỹ thuật; các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm; các công nghệ xử lý chất thải và tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp; các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chu trình tuần hoàn khép kín, phụ phẩm được tái sử dụng tại chỗ, không thải ra môi trường...
Ngoài ra, Hà Nội xây dựng các website, chợ công nghệ, mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá cho các sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp…/.