Các chuyên gia, nhà khoa học… tham vấn phát huy giá trị Âm nhạc truyền thống Huế thành các sản phẩm du lịch phục vụ phát triển văn hóa - du lịch, kinh tế - xã hội.
Ngày 18/12, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Du lịch, Sở VHTT, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Học viện Âm nhạc Huế và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Phát huy giá trị Âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch”. Đây là diễn đàn để các học giả, chuyên gia, nhà khoa học tham vấn về việc xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả giúp âm nhạc truyền thống Huế phát huy giá trị, phát triển thành các sản phẩm du lịch phù hợp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch của địa phương.
Hội thảo “Phát huy giá trị Âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” được tổ chức nhằm định hướng bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị của văn hóa nghệ thuật truyền thống Huế nói chung và Âm nhạc truyền thống Huế nói riêng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu các tham luận tiêu biểu trong số 23 tham luận tham gia và được chia thành 3 nhóm gồm Lịch sử đầy biến động của Cố đô Huế, Giá trị nghệ thuật âm nhạc xứ Kinh sư và Kết nối âm nhạc triều Nguyễn với âm nhạc hiện đại. Cụ thể là tham luận “Âm nhạc truyền thống Huế - Lịch sử biến động từ quá khứ đến hiện tại và biểu diễn nghệ thuật minh họa” của Nguyễn Phước Hải Trung, “Phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế trong phát triển văn hóa du lịch” của Phan Thanh Hải và “Âm nhạc truyền thống Huế trong tiến trình phát triển du lịch Huế” của Nguyễn Văn Phúc.
Theo các đại biểu, Âm nhạc truyền thống Huế thể hiện sự tinh tế và đa dạng của văn hóa cung đình và có ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc Việt Nam. Từ cung đình đến dân gian đều mang những nét đặc sắc và độc đáo, có vai trò đặc biệt trong việc khẳng định và thể hiện các cung bậc của bản sắc dân tộc, bao gồm sự tiếp nhận, nghiên cứu, phát triển và hiển thị đậm chất kinh sư xứ Huế để tạo ra một loại hình nghệ thuật đặc biệt mang tính đặc thù và hàn lâm. Sản phẩm điển hình của Âm nhạc truyền thống Huế có thể kể đến là Nhã nhạc Cung đình Huế hiện đã được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Thừa Thiên Huế Hồ Đắc Thái Hoàng cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, văn hóa và du lịch đang trở thành cầu nối quan trọng giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, đóng vai trò như là một đại sứ văn hóa kết nối con người với con người để hưởng đến tinh thần nhân văn, nhân ái và hữu nghị. Việc phát huy giá trị Âm nhạc truyền thống Huế không chỉ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của di sản mà còn mở ra các hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống như việc khuyến khích đưa Ca Huế vào trường học, tổ chức các chương trình nghệ thuật và kết nối âm nhạc với các sản phẩm du lịch, các chương trình Festival và Festival làng nghề được tổ chức xen kẽ hàng năm. Những nỗ lực này đã góp phần đưa Âm nhạc truyền thống Huế đến gần hơn với công chúng trong nước và nước ngoài - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm.
Âm nhạc truyền thống Huế có đóng góp đến hoạt động phát triển văn hóa, du lịch. Việc phát huy giá trị Âm nhạc truyền thống Huế không chỉ nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của di sản mà còn mở ra các hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội.