Ngày 25/10 tại Hà Nội, Trung tâm ICAFIS tổ chức Hội thảo: “Khép kín Chuỗi Rong biển giá trị cao” để từng bước gỡ nút thắt của ngành rong biển Việt Nam.
Nuôi trồng, sản xuất, chế biến rong, tảo biển ở các quốc gia trên thế giới đã thực hiện từ lâu, đặc biệt phải kể tới các quốc gia có nghề nuôi trồng chế biến rong biển hàng đầu thế giới hiện nay: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… Trong khi đó, nghề nuôi trồng rong biển ở Việt Nam mới được phát triển trong hơn 10 năm trở lại đây.
Hiện nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong, tảo biển của Việt Nam vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi. Vì thế, giá rong nguyên liệu còn thấp và bấp bênh, chủ yếu rong, tảo biển do các hộ nông ngư dân nuôi trồng mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Nuôi trồng rong, tảo biển ở Việt Nam hiện vẫn còn nhỏ, lẻ do đó chưa thể khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế từ mặt hàng này so với tiềm năng, lợi thế của quốc gia biển.
Theo TS. Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Mấy năm trước chúng ta mời chuyên gia Nhật Bản đến Việt Nam để nói về tiềm năng, lợi thế phát triển rong biển và đó là khởi đầu để phát triển ngành rong Việt Nam. Hiện là thời điểm để chúng ta phát triển ngành rong được tốt hơn, tuy nhiên việc phát triển rong biển phải gắn chuỗi chế liên kết, để làm sao giữa các thành viên trong chuỗi có đời sống tốt, có hiệu quả kinh tế và đóng góp chung cho phát triển bền vững”.
Sản xuất các sản phẩm theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho người sản xuất. Đây cũng là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả. Để tạo nên một chuỗi giá trị sản phẩm có hiệu quả cao, các đối tượng tham gia trong chuỗi phải có sự phối hợp đồng đều và chặt chẽ với nhau, đặc biệt là liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân.
Ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) chia sẻ: “Trong 10 năm vừa qua, ICAFIS đã thúc đẩy chuỗi giá trị ngành hàng thuỷ sản như: tôm, nghêu, hàu, cá tra… cho thấy, việc thúc đẩy liên kết chuỗi trong nuôi trồng, chế biến, phát triển thị trường thủy sản cần có sự hợp tác của các bên trong chuỗi liên kết”.
Với rong biển, việc hợp tác cần khép kín liên kết chuỗi từ cây giống, vùng trồng, sản xuất, thương mại, tiêu thụ. Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi để chia sẻ giá trị, tạo động lực để người dân sẵn sàng trồng rong. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao – công nghệ chiết để lấy được dưỡng chất quý của rong, cũng như khắc phục điểm yếu về mùi tanh của rong. Hay những nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến rong để làm thuốc, nhựa sinh học, phụ gia thực phẩm.
Vừa qua, ICAFIS đã phối hợp cùng Công ty TNHH JapiFoods thúc đẩy chương trình “Blue Ocean – Blue Foods” hướng tới xây dựng bể chứa carbon ngành thuỷ sản. Chương trình mục tiêu trong 3 năm tới có thể hỗ trợ người dân ven biển trồng được khoảng 1.000 ha rong biển.
Để đạt mục tiêu trên cần phát triển sản phẩm rong giá trị cao gắn với nhu cầu thị trường; liên kết chuỗi giá trị gắn với vùng trồng của người dân, doanh nghiệp để cùng chia sẻ, lợi ịch và giá trị. Từ đó người dân mới sẵn lòng trồng và phát triển rong.
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết liên kết khép kín chuỗi giá trị rong biển giá trị cao giữa ICAFIS, Công ty TNHH JapiFoods và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Phát STP; đồng thời ra mắt các sản phẩm rong biển giá trị cao Việt Nam.
Theo đó, Công ty TNHH JapiFoods là đơn vị thu mua các nguyên liệu rong từ các vùng nguyên liệu trồng của người nông dân, hợp tác xã, đơn vị cung ứng nguyên liệu và chế biến thành phẩm các sản phẩm chiết xuất từ rong. 100% diện tích nuôi trồng trong hợp tác sẽ được doanh nghiệp thu mua với giá không thấp hơn giá trị trường. Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Phát STP với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thử nghiệm và phát triển trồng rong, sẽ là đơn vị cung ứng nguồn giống rong và cung cấp nguyên liệu rong cho doanh nghiệp chế biến./.