Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 42.695 tỷ đồng, bằng 120% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo của Sở Tài chính Thanh Hóa, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh này 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 42.695 tỷ đồng, bằng 120% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, thu nội địa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 26.194 tỷ đồng, bằng 119% dự toán và tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Những khoản thu nội địa có tỷ trọng lớn, vượt dự toán và tăng cao so với cùng kỳ như: Thu tiền sử dụng đất ước đạt 10.447 tỷ đồng, bằng 137,5% dự toán và tăng 105,9%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 6.311 tỷ đồng, bằng 131% dự toán và tăng 18,1%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 2.725 tỷ đồng, bằng 100,9% dự toán và tăng 16,6%; thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 1.457 tỷ đồng, bằng 100,9% dự toán và tăng 32,4%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước, mặt biển ước đạt 1.235 tỷ đồng, bằng 274,4% dự toán và gấp 5,02 lần so với cùng kỳ…
Bên cạnh kết quả thuận lợi từ thu nội địa, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng ghi nhận kết quả thu vượt dự toán. Cụ thể, tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 16.501 tỷ đồng, bằng 121,8% dự toán và tăng 43,1% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý khi thu từ thuế giá trị gia tăng từ dầu thô nhập khẩu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt 13.761 tỷ đồng, chiếm 83,4% tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh.
Các tháng cuối năm, nếu tiếp tục giữ vững đà phát triển ổn định, thu ngân sách nhà nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ vượt mốc thu 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, nhiều khả năng sẽ vượt mốc kỷ lục thu 52.000 tỷ đồng mà tỉnh này thiết lập trong năm 2022. Kết quả này cũng giúp Thanh Hóa gia nhập nhóm số ít tỉnh thành phố có mức thu ngân sách nhà nước trên 50.000 tỷ đồng của cả nước.
Về hoạt động chi ngân sách địa phương 9 tháng năm 2024, Thanh Hóa ước đạt chi 30.354 tỷ đồng, bằng 70,4% dự toán, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, có một số khoản chi lớn là: Chi đầu tư phát triển 7.822 tỷ đồng, bằng 64,4% dự toán và tăng 4,6% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 21.194 tỷ đồng, bằng 74,1% dự toán và tăng 13,1%; chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương bổ sung) 807 tỷ đồng, bằng 67,2% dự toán…